0
Vietnamese English
Hotline: 0941417129

TĂNG HUYẾT ÁP LÀ GÌ ?

Lời mở đầu ngọt ngào từ “kẻ thù” của nhân loại…

Một trong những vấn đề đáng lưu tâm nhất đối với sức khỏe của mọi người không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, đặc biệt là người lớn tuổi, đó chính là bệnh tăng huyết áp, còn gọi là cao huyết áp. Được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, số người không may mắc phải đã không ngừng gia tăng trong những năm vừa qua, từ gần 600 triệu người năm 1975 đã lên hơn 1,1 tỷ người vào năm 2015, chiếm 15% dân số thế giới khi đó. Qua phép tính thống kê đơn giản đó, ta hình dung được cứ 10 người thì có gần 2 người bị tăng huyết áp – con số biết nói đã nói lên tất cả! Hầu hết trước đây thường gặp ở các cụ “cao niên”, tuy nhiên qua xu thế phát triển của thời đại, tăng huyết áp đã dần “lăm le tấn công” chúng ta với độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Điều đó cho thấy sự ảnh hưởng khủng khiếp của căn bệnh không lây này với nhân loại ra sao.

Vậy tăng huyết áp là gì ?

Nhân gian hay gọi là tăng xông máu, xảy ra khi áp lực máu tác động lên thành mạch máu quá cao trong thời gian dài. Chúng ta có thể vẫn cảm thấy “bình thường”,  không có bất kì triệu chứng gì, tuy nhiên, đúng như tên gọi “kẻ giết người thầm lặng”, nó vẫn có thể ảnh hưởng một cách âm thầm lên hệ mạch máu và các hệ cơ quan khác, đặc biệt ở những bộ phận sống còn của chúng ta như não, tim, thận, mắt…

Chính vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh là cực kỳ quan trọng. Chỉ với 1 máy đo huyết áp cùng thao tác đo đơn giản, đúng cách. Ta hoàn toàn có thể phát hiện ra tăng huyết áp một cách dễ dàng.

Các chỉ số huyết áp là gì?

Trước hết, khi nhắc đến huyết áp, ta cần biết đến 2 chỉ số:

  • Huyết áp tâm thu: là huyết áp khi tim ta co bóp để tống máu đi nuôi cơ thể.
  • Huyết áp tâm trương: là huyết áp khi tim ta thư giãn, nhận máu đổ về.

Do vậy khi đo huyết áp , chắc chắn chúng ta sẽ nhận được 1 kết quả với 2 chỉ số như trên.

Ví dụ như ông Tám 55 tuổi, chưa ghi nhận bệnh lý nào trước đây, hôm nay tình cờ đi khám sức khỏe tổng quát, được cô điều dưỡng nhiệt tình đo huyết áp cho. Thế là màn hình hiển thị con số rõ to: 160/90 mmHg.

Với kết quả trên, 160 mmHg là huyết áp tâm thu, 90 mmHg là huyết áp tâm trương.

Tôi bị tăng huyết áp rồi à? Sao tôi cảm thấy trong người vẫn bình thường? 

Như đã đề cập, tăng huyết áp diễn tiến âm thầm có thể trong 1 vài năm hoặc hơn. Khi có triệu chứng rầm rộ, có thể đã có tổn thương các cơ quan.

Nếu có triệu chứng, thường có thể là: đau đầu, chóng mặt, nóng bừng mặt, mỏi gáy…

Bình thường mạch máu của chúng ta luôn trơn tru và đàn hồi, dòng máu có thể lưu thông dễ dàng để nuôi dưỡng các cơ quan; nhưng khi có tăng huyết áp, nó sẽ ngày càng trở nên kém đàn hồi, cứng hơn, dễ tích tụ chất béo bám vào, lâu ngày gây tắc nghẽn mạch máu, ảnh hưởng nghiêm trọng lên tim gây nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp; lên não gây cơn thoáng  thiếu máu não, đột quỵ não… nguy hiểm đến tính mạng.

Vậy Bệnh tăng huyết áp điều trị ra sao ?

Chúng ta cần biết rằng đây là bệnh lý mạn tính, cần điều trị suốt đời. Có 2 phương pháp chính:

1. Điều trị không dùng thuốc

Là phương pháp đúng kiểu “ngon-bổ-rẻ” nhưng không kém phần quan trọng để kiểm soát huyết áp với bệnh nhân đã mắc phải, đồng thời cũng là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu đối với những ai chưa bị.

  • Chế độ ăn uống khoa học: Các loại rau củ quả, nước trái cây, ngũ cốc, cá nạc, ăn giảm muối… đều tốt cho hệ tim mạch nói chung và huyết áp nói riêng. Theo khuyến cáo AHA (Hiệp hội tim mạch Mỹ),  lượng muối bệnh nhân có thể ăn hàng ngày từ 1,5 đến 2,3 gam; nghĩa là chỉ nên dùng ¼ đến nửa muỗng cà phê muối mỗi ngày mà thôi.
  • Tăng cường hoạt động thể lực, thể thao vừa sức như  đạp xe, đi bộ, bơi lội… Theo khuyến cáo của CDC (Cục phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ), trung bình cần 150 phút hoạt động thể lực mỗi tuần, tính ra cũng chỉ cần ta chịu khó dành ra 30 phút mỗi ngày, tập 5 ngày trong tuần là đạt mục tiêu.
  • Giảm cân: Người đời hay có câu bông đùa rằng “vòng bụng to ra, vòng đời nhỏ lại”, ít nhiều thì nó cũng đúng trong câu chuyện chiến thắng cao huyết áp này. Khi ta trở nên thon gọn hơn, không chỉ đẹp hơn về ngoại hình cũng như giúp kiểm soát được áp huyết, mà còn có lợi cho những ai đang mắc phải bệnh khác đồng thời như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và các bệnh lý tim mạch khác. Theo CDC Mỹ, cần giảm cân ít nhất 1 pound mỗi tuần, quy ra khoảng 1 nửa kg cân nặng hàng tuần đến khi đạt cân nặng mục tiêu duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5-22,9 kg/m2; vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
  • Giảm căng thẳng: “Giận quá hại Can, vui quá hại Tâm, buồn quá hại Phế; lo quá hại Tỳ; sợ quá hại Thận” hay “bệnh từ tâm mà ra” là những câu châm ngôn kinh điển của Y học cổ truyền, cho ta thấy khi không kiềm chế được cảm xúc ắt sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ thể, trong đó có huyết áp. Do vậy, chúng ta có thể áp dụng một số phương pháp để “tâm được an lành” như : thiền, mát-xa thư giãn, yoga, thái cực quyền …
  • Thuốc lá – rượu bia: qua báo đài, có lẽ chúng ta đã quá thấu hiểu về tác hại của công cụ hút hít hàng ngày và chè chén quá đà. Thuốc lá có thể làm mạch máu trở nên cứng hơn, không còn mềm dẻo như trước, dẫn đến áp huyết càng cao hơn, trong khi đó,  rượu thì làm co thắt mạch máu nhiều hơn, cũng sẽ dẫn đến hậu quả tương tự.
  • Một điều không kém phần quan trọng là người bệnh cần theo dõi huyết áp hàng ngày, chỉ cần 1 chiếc máy huyết áp điện tử tại nhà, ta hoàn toàn có thể tự đo được huyết áp mỗi ngày, sau đó ghi chú vào quyển nhật ký nhỏ gọn bên mình và đem theo mỗi khi tái khám, bác sĩ sẽ đánh giá được chúng ta đã đạt mục tiêu điều trị hay chưa.

2. Điều trị dùng thuốc

Khi mức huyết áp quá ngưỡng, ta sẽ được bác sĩ kê thuốc và dùng hàng ngày. Cần tuân thủ việc uống thuốc để đạt mục tiêu, không tự ý bỏ thuốc, chỉnh thuốc khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.

Bình luận
© 2019 CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC APIMED. Design by Nina Co.,Ltd
Đang online: 5 - Tổng truy cập: 438590